BĐS năm 2022 hừng hực khí thế nhưng cần thận trọng khi giá dầu, giá vàng, chứng khoán…liên tục chao đảo
Ngay từ đầu năm 2022, mặc dù diễn biến dịch vẫn phức tạp nhưng thị trường hừng hực khí thế ở mọi vùng miền, các giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động nhưng vẫn không ít thách thức.
Ngày 15/3, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) đã tổ chức Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2021 – 2022.
Tại Diễn đàn, dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định, dự báo về xu hướng, triển vọng và cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2022. Đặc biệt, xét về tầm nhìn dài hạn 3 – 5 năm tới đều cho thấy, bất động sản có nhiều cơ hội tăng trưởng.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ: “Năm 2021 là năm khốc liệt đối với thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, những thời điểm thị trường chững lại thì bất động sản lại bùng lên, như công nghệ bất động sản đã phát triển rất mạnh trong năm qua giúp kích thích thị trường bất động sản. Tôi cho rằng đây là yếu tố tích cực. Ngoài ra, năm 2021 có sự xuất hiện của các F0 hay còn gọi là các nhà đầu tư tay ngang. Có được thực tế này là do rất nhiều dòng vốn rút từ các kênh khác để đầu tư về bất động sản:.
Cũng theo ông Đính, bên cạnh những thuận lợi, thị trường bất động sản Việt Nam năm qua cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Như chia sẻ của các chuyên gia, những vướng mắc pháp lý của bất động sản đang cản trở nhất định về nguồn cung trên thị trường. Chưa kể, năm 2021 còn xuất hiện rất nhiều “hàng giả, hàng lậu”, như bất động sản phân lô bán nền không phù hợp, các đợt sốt giá tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản.Song cũng không thể phủ nhận rằng, nhờ có sự vào cuộc của các bộ, ngành nên những thực trạng đó đã được hóa giải phần nào.
“Ngay từ đầu năm 2022, mặc dù diễn biến dịch vẫn phức tạp nhưng thị trường hừng hực khí thế ở mọi vùng miền, các giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động, các doanh nghiệp cũng rất hưng phấn. Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát đẩy giá bất động sản tăng lên nên bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt. Vì vậy, những vướng mắc về thủ tục pháp lý cần được tháo gỡ để giúp doanh nghiệp bất động sản dễ dàng phát triển hơn trong năm 2022”, ông Đính cho biết.
Doanh nghiệp BĐS dù đã vượt bão covid nhưng vẫn cần thận trọng bởi năm 2022 tình hình kinh tế chính trị khó đoán hơn phức tạp, nhất là chiến sự Nga – Ukraine khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán…liên tục chao đảo.
Nhìn từ góc độ quy hoạch, ông Nguyễn Đỗ Dũng – Tổng Giám đốc enCity cho biết thị trường bất động sản Việt Nam có 4 cơ hội: Thứ nhất, bất động sản công nghiệp vẫn đang nóng trên thị trường Việt Nam. Đây là xu hướng lâu dài do có sự chuyển dịch từ Trung Quốc và cơ sở hạ tầng Việt Nam đang ngày càng phát triển, lực lượng lao động dồi dào. Thứ hai, đầu tư công về hạ tầng giao thông như Vành đai 4, Vành đai 3 sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản.
Thứ ba, đây không chỉ là vấn đề an toàn, mà còn là bộ mặt đô thị. Đại dịch và đầu tư công kích thích đô thị hóa vùng ven: Pháp lý mở cơ hội để tái thiết đô thị 2.000 chung cư cũ cần được cải tạo ở Hà Nội và TP.HCM tương tương với 500ha quỹ đất. Như vậy, chúng ta đang có các quỹ đất ngay trong lòng thành phố lớn. Thứ tư, đại dịch tạo nên nhu cầu sống xanh. 61% người có nhu cầu sống gần không gian xanh và có sân vườn, 45% muốn chuyển ra ngoại ô và các khu vực ít đông đúc hơn.
Song song đó, ông Dũng cho rằng thị trường bất động sản đối mặt với 3 thách thức. Thứ nhất, về pháp lý, những mảnh đất chờ được đổi mới tại Việt Nam vẫn đang nằm chờ quy hoạch. Thứ hai, chúng ta mở cửa du lịch từ ngày 15/3 nhưng tâm lý người dân châu Á vẫn còn sợ sệt. Tâm lý này giúp chống dịch tốt nhưng lại cản trở ngành du lịch phát triển. Thứ ba, xung đột Nga và Ukraine khiến nền kinh tế thế giới vừa chịu ảnh hưởng từ đại dịch nay lại chịu thêm chuỗi cung ứng bị đứt gãy, logistics bị gián đoạn. Đây chính là 3 thách thức lớn nhất sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường bất động sản.
Cũng tại Diễn đàn, các chuyên gia đã chỉ ra một số yếu tố rủi ro của thị trường đến từ dịch bệnh, địa chính trị, bất cập từ khoảng trống pháp luật. TS. Cấn Văn Lực cho hay, thị trường bất động sản thời gian tới vấp phải các thách thức như nguồn cung sản phẩm sẽ chưa dồi dào ngay; giá năng lượng và nguyên vật liệu tăng nhanh, trong 2 tháng đầu năm 2022 đã tăng 2%.
Chính phủ chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp (sửa đổi Nghị định 153) cũng tác động đến thị trường. Bên cạnh đó, các cuộc đấu giá đất đã tạo ra một mặt bằng không lành mạnh. Giá bất động sản vẫn tăng, đặt ra câu hỏi liệu sẽ có điều chỉnh trong thời gian tới. Cuối cùng, Thông tư 16/TT-NHNN kiểm soát đầu tư của tổ chức tín dụng vào trái phiếu bất động sản; chương trình đánh thuế bất động sản cũng là một yếu tố tác động đến thị trường.
“Thách thức chính là đại dịch Covid-19; địa chính trị phức tạp, nhất là chiến sự Nga – Ukraine khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán… biến động mạnh và khó đoán hơn. Giá cả, lạm phát sẽ còn tăng trưởng; thu hẹp các gói hỗ trợ, mua tài sản và tăng lãi suất; lợi nhuận biên của các doanh nghiệp bị thu hẹp”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Nguồn: https://cafef.vn/