Phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia

(HBĐT) – “Đến năm 2020, khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành KDL quốc gia (QG). Đến năm 2030, KDLQG hồ Hòa Bình trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hòa Bình, là 1 trong 12 KDLQG trọng tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ”. Đây là mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG hồ Hòa Bình đến năm 2030.

 

 

 

Phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia
Du khách trải nghiệm chèo thuyền kayak trên hồ Hòa Bình thuộc điểm du lịch cộng đồng Đá Bia (Đà Bắc).
Hướng tới mục tiêu quan trọng này, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14, ngày 22/6/2017 về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDLQG (NQ 14). Trong 3 năm (2017 – 2020), các cấp, ngành, địa phương, tổ chức CT-XH đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển KDL hồ Hòa Bình tương xứng với tiềm năng sẵn có.
 Biến quyết tâm chính trị thành hành động cụ thể, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, tổ chức CT-XH khẩn trương vào cuộc, triển khai đồng bộ 10 nhóm giải pháp trong NQ 14. UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDLQG. Hòa chung quyết tâm của toàn tỉnh, tại các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và TP Hòa Bình là những địa phương có hồ Hòa Bình, các cấp ủy, chính quyền đã nghiêm túc quán triệt triển khai NQ, khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
 Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc cho biết: Đà Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trong đó, hồ Hòa Bình trải rộng mênh mông hòa quyện với núi non trùng điệp, tạo nên bức tranh “hồ trên núi” sơn thủy hữu tình. Xác định đây là lợi thế nổi bật để khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã, đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, với giá trị cốt lõi là du lịch hồ Hòa Bình gắn với các sản phẩm đặc trưng của du lịch cộng đồng.
Nội dung này đã được Huyện ủy Đà Bắc nhấn mạnh khi ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; UBND huyện phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục tạo thêm động lực để đẩy mạnh công tác phát triển du lịch, huyện thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thực hiện chức năng tuyên truyền, quảng bá, xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để phát triển du lịch trên địa bàn. Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, quảng bá du lịch, huyện thành lập Công ty CP Du lịch cộng đồng Đà Bắc – đơn vị thực hiện chức năng quản lý, kinh doanh, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Cùng với đó, công tác ANTT, đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu, tuyến, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và hướng dẫn thủ tục, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh du lịch theo quy định đối với các khu, điểm du lịch và các cơ sở lưu trú trên địa bàn được thực hiện tốt.
Cũng như huyện Đà Bắc, các địa bàn có hồ Hòa Bình đã tích cực triển khai các nhóm giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của KDL hồ Hòa Bình. Nhìn chung, các địa phương đều bám sát 10 nhóm giải pháp trọng tâm đã được chỉ đạo tại NQ 14. Trên phạm vi toàn tỉnh, 3 năm đầu thực hiện NQ 14 ghi nhận sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Như tại cấp tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh được phân công trực tiếp chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó có chỉ đạo triển khai một số dự án đầu tư du lịch trên KDL hồ Hòa Bình; chỉ đạo một số địa phương thành lập đoàn công tác hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án sớm đi vào hoạt động…
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và tổ chức liên quan, sau 3 năm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển KDL hồ Hòa Bình, nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Đối chiếu với 5 điều kiện công nhận KDLQG, theo đánh giá của UBND tỉnh, đến nay, KDL hồ Hòa Bình đã đạt 2 điều kiện: Một là, có ít nhất 2 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Hai là, có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển KDLQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 Đối với 3 nhóm điều kiện còn lại, KDL cơ bản bước đầu đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; hệ thống cơ sở lưu trú đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm; có hệ thống điện lưới, cung cấp nước sạch; nội quy, hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh về KDL; cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch; một số điều kiện về ANTT, bảo vệ môi trường… Các điều kiện chưa đạt đồng thời là trọng tâm đầu tư trong thời gian tới được xác định là: Chưa có các cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên; chưa có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia; chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm chưa đạt theo quy định…
Thu Trang
Chia sẻ:Share on Facebook
Facebook
Tweet about this on Twitter
Twitter

Có thể bạn quan tâm