Siêu quy hoạch 52.200ha liệu sẽ khiến thị trường bất động sản Hoà Bình bùng nổ?
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.
Theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, phạm vi quy hoạch nằm trên địa bàn thành phố Hòa Bình (gồm các phường: Thái Bình, Phương Lâm, Tân Thịnh và một phần xã Hòa Bình) và 4 huyện: Đà Bắc (gồm các xã: Đồng Ruộng, Yên Hòa, Cao Sơn, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương và Toàn Sơn); Cao Phong (gồm các xã: Bình Thanh và Thung Nai); Tân Lạc (gồm các xã: Suối Hoa và Phú Vinh); Mai Châu (gồm các xã: Sơn Thủy, Tân Thành và một phần xã Đồng Tân). Quy mô quy hoạch 52.200ha.
Đây là khu du lịch cấp Quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa các dân tộc và hệ sinh thái Hồ Hòa Bình với các loại hình du lịch đa dạng. Là vùng sinh thái, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng (Thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình, cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước…); là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Hòa Bình.
Không gian phát triển Khu du lịch Hồ Hòa Bình được hình thành trên cơ sở các không gian cảnh quan đồi núi, hệ sinh thái tự nhiên, các giá trị văn hóa, tâm linh gắn liền với vùng lòng Hồ Hòa Bình. Đề án chia thành 06 phân khu: Khu vực cửa ngõ gắn với hệ thống cảng Bích Hạ, Ba Cấp; Khu phát triển du lịch tập trung Hiền Lương – Thanh Bình, Vầy Nưa (huyện Đà Bắc); Khu phát triển du lịch sinh thái, tự nhiên hoang dã phía Bắc hệ sinh thái hồ Hòa Bình; Phân khu du lịch vịnh Ngòi Hoa – Thung Nai – Suối Hoa (huyện Cao Phong và Tân Lạc); Phân khu dịch vụ du lịch tại xã Phúc Sạn (huyện Mai Châu); Phân khu du lịch thiên nhiên hoang dã sinh thái tự nhiên gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (huyện Đà Bắc).
Các khu chức năng được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch tại các khu chức năng có không gian đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, tạo động lực phát triển đồng bộ toàn khu du lịch. Giai đoạn 2 từ sau năm 2025 đến 2035, đầu tư xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng các khu chức năng và quản lý phát triển theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nhấn mạnh quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình có ý nghĩa đối với tỉnh Hòa Bình, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển khu vực Hồ Hòa Bình, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch. Vì vậy, đề nghị các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố đẩy nhanh việc triển khai thực hiện quy hoạch trên thực tiễn theo đúng quy định hiện hành: cắm mốc, tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng…Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm được thông tin liên quan đến quy hoạch…
Hòa Bình còn có lợi thế khác khi nằm sát với Hà Nội – một thị trường lớn, đầy tiềm năng với quy mô dân số cả chục triệu dân. Bên cạnh nhu cầu về second home của người giàu thì Hòa Bình rất thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô khi mà các khu nghỉ dưỡng ngoại ô Hà Nội chất lượng chuẩn quốc tế còn khan hiếm. Nơi đây trở thành điểm đến của những tên tuổi lớn như Phú Mỹ Hưng, T&T Group, Geleximco, FLC Group. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang âm thầm xâm nhập. Cũng trong một thời gian dài, Hoà Bình là nơi có lượng tăng trưởng tìm mua bất động sản đứng ở mức cao.
Tính đến thời điểm hiện tại sự sôi động của thị trường bất động sản Hòa Bình đã kéo dài được gần 2 năm tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bất động sản Hòa Bình chính là một làn gió mới, một điểm sáng cho thị trường bất động sản ngoại ô khi hội tụ đủ các yếu tố và lợi thế để tiếp tục tăng trưởng trong thời kỳ hậu COVID-19. Dịch bệnh đã thôi thúc mong muốn trong mỗi người tìm kiếm một khoảng trời riêng dành cho gia đình để phòng tránh cân bằng cuộc sống, tránh ô nhiễm, ồn ào.
Đánh giá về Hòa Bình, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô so sánh hồ Hoà Bình với hồ Garda ở phía Bắc nước Ý. Hồ này cách thành phố Milan khoảng 120km và là trung tâm du lịch cực kỳ nổi tiếng của cả châu Âu. Trong khi đó, hồ Hoà Bình chỉ cách trung tâm Hà Nội 80km, tương đương 1,5 tiếng lái xe, cùng với những tiềm năng sẵn có cũng hoàn toàn có khả năng trở thành địa điểm du lịch lý tưởng.
“Du lịch hồ Hoà Bình sẽ bùng nổ”. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô hồ hởi khi chia sẻ về Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 25/3/2021.
Theo ông Trung, hiện giới trung lưu và trên trung lưu đang phát triển nhanh và những người trong giới thượng lưu thường sở hữu một chiếc du thuyền cá nhân. Trong khi hồ Garda có hàng trăm chiếc du thuyền thì người Việt hoặc là chơi du thuyền trên biển, hoặc giới thượng lưu ở TP. HCM chơi du thuyền trên con sông Sài Gòn nhỏ hẹp. “Hồ Hoà Bình sẽ là một điểm đến mới của giới thượng lưu chơi du thuyền”, ông Trung kỳ vọng
Được biết, đến nay, khu du lịch hồ Hoà Bình đã thu hút 16 dự án du lịch – dịch vụ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng khoảng gần 1.450ha.
Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều mới nằm trên giấy, bởi chưa có quy hoạch chung xây dựng nên chưa thể triển khai.
Nam Anh / nhipsongkinhte.toquoc.vn